Bài viết Dưới 16 tuổi gây tai nạn chết người phải chịu trách nhiệm gì? được Luật Gia Bùi tổng hợp và điều chỉnh chính xác thông tin và đăng tải lại trên website. Nếu bạn có bất cứ nhu cầu cần tư vấn về Luật, hãy liên hệ với dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.
1. Xử lý người dưới 16 tuổi điều khiển xe gây tai nạn chết người:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Cho em hỏi. Bạn em mới 15 tuổi mà điểu khiển xe máy gây tan nạn làm 3 người chết. Vậy hành vi bạn em có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Áp dụng biện pháp xử lý hành chính nào đối với bạn ấy?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người 15 tuổi không được phép điều khiển xe tham gia giao thông.
Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 quy định tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
– Chủ thể: là người tham gia giao thông đường bộ, người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này khi có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp bị mất hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Khách thể: là sự an toàn của hoạt động giao thông đường bộ, an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác
– Mặt khách quan:
+ Hành vi khách quan: là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao thông đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ 2008
+ Hậu quả: Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Trường hợp gây chết từ 3 người trở lên được xác định là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 theo quy định của Khoản 4.3 Điều 4 Phần 1 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP.
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả và hành vi vi phạm: hành vi vi phạm phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả.
– Mặt chủ quan: lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 1999, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bạn của bạn 15 tuổi, lái xe gây tai nạn chết 3 người, thuộc khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999, là tội phạm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, dấu hiệu lỗi của tội tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là lỗi vô ý do cẩu thả hoặc lỗi vô ý do tự tin. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội rất nghiêm trọng do cố ý. Do đó, bạn của bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Nếu bạn của bạn có lỗi cố ý gây tai nạn giao thông với mục đích là làm chết người thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội cố ý gây thương tích hay tội giết người,…
Theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì sẽ không bị phạt tiền, chỉ bị phạt cảnh cáo.
Khoản 2 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.
Như vậy, bạn của bạn có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
2. 14 tuổi lái xe gây tai nạn chết người có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tóm tắt câu hỏi:
vượt đèn đỏ tông chết người nếu ra tòa án xử sao ạ. Cháu xin kể cho luật sư sự việc sau. Ngày 21/9/2015 em cháu lái xe đi chơi cho bạn mượn và vượt đèn đỏ và tông chết người cho đến giờ vẫn chưa ra tòa. Xe ấy là do ba cháu là chủ xe. Ba cháu mất năm 2014 vì bệnh ung ung gan và người lái xe vi phạm khi 14 tuổi. Cho cháu hỏi muốn nhờ luật sư bào chữa để chuộc lại xe có được không ạ? Xin luật sư trả lời qua tin nhắn điện thoại ạ?
Luật sư tư vấn:
Trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:
“2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Đối với người đủ 14 tuổi thì chưa được thi bằng lái xe vì chỉ những người đủ 18 tuổi thì mới được thi lấy bằng lái xe. Do đó trong trường hợp trên người đủ 14 tuổi gây ra tai nạn làm chết người thường thuộc trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định.
Khoản 2 Điều 202Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.
Như vậy, căn cứ vào những quy định trên thì người đủ 14 tuổi gây tai nạn giao thông làm chết một người thuộc khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 là loại tội rất nghiêm trọng. Do đó trong trường hợp này người gây tai nạn dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm dân sự theo Điều 606 Bộ luật dân sự 2005 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
“Điều 606. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật dân sự 2005 .
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”
Như vậy theo quy định pháp luật trên thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Trường hợp xác định vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự nên cơ quan cảnh sát giao thông sẽ chuyển giao hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Về vấn đề xử lý vật chứng được quy định tại Điều 76, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
“Điều 76. Xử lý vật chứng
1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.”
Vì vậy trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền xét thấy vật chứng là chiếc xe máy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu. Nếu vật chứng vẫn cần để phục vụ cho việc xử lý vụ án thì cơ quan công an sẽ trả sau khi giải quyết xong vụ án.
3. Trách nhiệm dân sự khi người dưới 16 tuổi điều khiển xe máy gây tai nạn chết người:
Tóm tắt câu hỏi:
Em muốn hỏi người dưới 16 tuổi điều khiển xe máy gây tai nạn chết người vậy thì người gây tai nạn sẽ phải bồi thường như thế nào với bên bị hại?
Luật sư tư vấn:
Điều 606 BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau :
“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường’.
Như vậy theo quy định pháp luật trên thì nếu em bé đó có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường thiệt hại. Nếu tài sản riêng không đủ thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường.
– Mức bồi thường đường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại được quy định cụ thể tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cụ thể như sau : «Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
2.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết bao gồm: các chi phí được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1, 1.4 và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này
2.2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hoả táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…
2.3. Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.
a) Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.
Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.
b) Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng.
– Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
– Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
– Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
2.4. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.
a) Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại.
b) Trường hợp không có những người được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 này, thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt h
c) Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người thân thích) của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại…
d) Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”.
Như vậy, người dưới 16 tuổi gây tai nạn giao thông làm chết 1 người thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải bồi thường dân sự thuộc loại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại chương XXI Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao như đã nêu ở trên. Nếu người từ đủ 15 tuổi nhưng dưới 18 tuổi mà không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường thay.
Nguồn: https://luatduonggia.vn/xu-ly-nguoi-duoi-16-tuoi-dieu-khien-xe-gay-tai-nan-chet-nguoi/